Diễn biến Nội chiến Nga

Kế hoạch phát động cuộc nội chiến

Ngay khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, do lực lượng Cận Vệ Đỏ còn ít ỏi chỉ có hơn 1 triệu quân, đế quốc Nga lại quá rộng lớn nên những người Bolshevik đã không thể nắm chính quyền được ở nhiều vùng đất cũng như tiến hành truy quét các lực lượng của phe chống đối.

Như một tất yếu, các lực lượng chống đối của phía Bolshevik: quân Bạch Vệ đã hoạt động ngay từ phút đầu. Nhưng do lực lượng của Bạch Vệ còn chia rẽ ra thành nhiều phe phái (Nga Hoàng và gia đình đã bị chính quyền Xô Viết bắt giữ và xử tử hình vào tháng 7 năm 1918), binh lính hoang mang, nhiều đơn vị bỏ hàng ngũ, xử tử các sĩ quan và mang theo vũ khí bỏ về nhà khiến quân Bạch Vệ nhiều nơi phải rút đi để tập hợp lực lượng.

Tuy vậy do ưu thế tạm thời về vũ khí, trang bị và huấn luyện nên nhiều đơn vị Hồng Quân đã phải rút lui bởi thế tấn công của quân Bạch Vệ.

Tình hình chiến sự trong năm 1918

Tháng 03-1918, quân Anh, Pháp, Mỹ đổ bộ lên Murmansk. Họ chiếm Murmansk, Arkhangelsk và tiến theo hướng Moskva, Petrograd. Tháng 4-1918, quân Nhật đổ bộ lên Vladivostok, thành phố cực đông nước Nga. Sau đó các đơn vị quân viễn chinh Mỹ, Anh, Pháp, Ý cũng đổ bộ lên đó. Chính quyền Xô Viết ở đây bị lật đổ. Quân Bạch Vệ lần lượt chiếm các thành phố Iếccut, Vecnêudinxcơ, Sita và nhiều thành phố khác. Tháng 8-1918 quân Anh, Pháp đánh chiếm các thành phố cảng Odessa và Sevastopol trên bờ biển Đen nhằm giáng đòn tấn công vào vùng trung tâm nước Nga. Tháng 11-1917, România được Pháp hỗ trợ đã chiếm Bessarabia. Tháng 5-1918, quân đoàn Tiệp Khắc nổi loạn ở vùng sông Volga và Siberia.

Quân đoàn Tiệp Khắc (có 50.000 người) được thành lập ở nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười. Họ là những tù binh người Czech và Slovakia thuộc quân đội Áo-Hung bị bắt tại chiến trường Nga. Các nước Hiệp Ước dịch chuyển họ sang mặt trận phía tây để đánh Đức. Sau khi nước Nga ra khỏi cuộc chiến, chính phủ Xô Viết đã cho phép họ qua đường Siberia và Viễn Đông để sang Pháp. Nhưng một phần vẫn ở lại và sau đó nổi loạn

Khi 60 đoàn tàu chở quân đoàn Tiệp Khắc đang trên đoạn đường ở gần Vladivostok, đội quân đó đã nổi loạn. Được sự góp sức của quân Bạch Vệ, các lực lượng Xã hội Cách mạng và Menshevik, đội quân này đã chiếm được một vùng rộng lớn ở Siberia, và một số nơi tại vùng lưu vực sông Volga và Ural. Tại các vùng đó, các lực lượng chống đối Bolshevik đã tiến hành các hoạt động lật đổ chính quyền Xô Viết, thành lập các chính quyền như: "Chính phủ miền Bắc" ở Arkhangelsk, "Chính phủ người Siberia" ở Omsk, "Chính phủ Ural" ở Ekaterinodar. "Chính phủ Siberia tự trị" ở Vladivostok. Các chính phủ này đã bị lợi dụng để các nước bên ngoài lấy lời kêu gọi để biện minh cho hành động can thiệp vào nước Nga. Như vậy là, cuộc nổi loạn của binh đoàn Tiệp Khắc là cái mốc cho việc mở rộng can thiệp vũ trang của các nước Đế quốc.[7]

Ở Kazan, lực lượng Bạch vệ đã chiếm được kho bạc với 600 triệu rúp vàng, phần lớn số vàng dự trữ của Nhà nước Xô Viết.

Tại khu vực Tây Nam nước Nga, các nước đế quốc đã kích động và giúp sức cho các thế lực chống chính quyền Bolshevik ở Azerbaijan, Armenia nổi loạn. Ngày 31-07-1918, chính quyền Xô Viết ở Baku bị lật đổ, và 4 ngày sau, quân Anh đã chiếm Baku.

Trong khi đó quân Đức đã vi phạm hòa ước, cho quân xâm nhập vùng ngoại Kavkaz, vùng Sông Đông và vùng Krym. Quân Bạch vệ Cossack của các tướng Craxnok và Mamontop, được quân Đức giúp sức chiếm vùng sông Đông và tiến về thành phố Tsaritsyn (sau là Volgograd). Thực tế, Đức đã đánh chiếm Ukraine, dựng lên ở đây một chính phủ thân Đức.

Tại khu vực trung tâm nước Nga, các lực lượng chống đối cũng đã có nhiều hành động ngay trong nhiều thành phố, ngay cả ở Moscow. Ngày 06-07-1918, trong thời gian Đại hội lần V Xô Viết toàn Nga đang họp, phía Xã hội-Cách mạng, được sự giúp đỡ ngấm ngầm của các thế lực nước ngoài đã nổi loạn chống chính quyền Xô Viết ở Moscow. Để kiếm cớ gây ra cuộc chiến tranh với Đức, lực lượng này đã ám sát đại sứ Đức ở Moscow. Nhưng cuộc phiến loạn này đã nhanh chóng bị đập tan. (Ngày 14/07, chính phủ Đức đã đòi gửi 1 tiểu đoàn lính Đức đến bảo vệ sứ quán ở Moscow nhưng chính phủ Xô Viết đã từ chối lời đề nghị đó).

Mùa hè năm 1918, đất nước Xô Viết ở trong một tình huống cực kì khó khăn và nguy hiểm. Khoảng 14 vạn quân của 11 nước đế quốc và chư hầu (về sau tăng lên tới 30 vạn), cùng khoảng 1 triệu quân chống đối phía Bolshevik các loại đã chiếm được khoảng 3/4 lãnh thổ của đất nước Xô Viết. Họ đã chiếm được những trung tâm nguyên liệu, nhiên liệu và lúa mì. Nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng cực kì khó khăn: các nhà máy phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu và nhiên liệu, giao thông bị đình trệ, nhân dân (nhất là dân các thành phố) lâm vào cảnh đói rét và bệnh tật. Các thế lực chống đối nổi lên ở nơi nơi: kể cả ở Moscow và Petrograd. Ngày 30-08-1918, các lực lượng Xã hội-Cách mạng đã tiến hành hoạt động ám sát Lenin nhưng thất bại. Tại các vùng bị chiếm đóng, các lực lượng thân Bolshevik bị truy sát, các đảng viên Bolshevik bị sát hại. Những nơi mà ruộng đất, tài sản đã được chia cho dân nghèo bị lấy lại.

Nhược điểm của lực lượng Bạch Vệ

Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các tướng lĩnh quân đội Bạch Vệ đã tỏ thái độ mâu thuẫn với nhau và không đoàn kết. Các nhóm Bạch Vệ có chung mục tiêu là chống lại Bolshevik, nhưng đường lối sau đó của các nhóm lại khác hẳn nhau: có nhóm muốn khôi phục nền quân chủ chuyên chế của Nga Hoàng, có nhóm thì muốn thành lập Nhà nước quân chủ lập hiến giống như Anh, có nhóm muốn xây dựng nền cộng hòa nghị viện kiểu như Pháp, các nhóm cánh tả như Menshevik muốn xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, có nhóm chiến đấu vì niềm tin tôn giáo hoặc truyền thống bộ tộc, có nhóm chỉ muốn cát cứ ly khai thành một nước riêng, thậm chí có nhóm chiến đấu chỉ để cướp bóc của cải... Do sự bất đồng, các nhóm Bạch Vệ không có khả năng cố kết thành một lực lượng thống nhất, dưới quyền lãnh đạo của một thủ lĩnh chung, hầu như quân đội của họ đều chiến đấu rời rạc. Các tướng Bạch Vệ như những sứ quân biệt lập, mạnh ai người nấy chiếm đất giành dân, có những nhóm còn quay sang đánh lẫn nhau. Các tướng lĩnh này cũng không thể nắm rõ được tình hình của các đội quân dưới quyền.

Quân lính của Bạch Vệ cũng là những người nông dân, mong ngóng hòa bình được lập lại để quay về với đồng ruộng của mình. Binh lính thấy rõ sự khác nhau trong cách chỉ huy của các sĩ quan của mình so với các sĩ quan Hồng Quân. Sắc lệnh ruộng đất được ban ra và thi hành đã tạo tâm lý hứng khởi cho các nông dân Nga. Điều này tác động lớn đến tinh thần của binh sĩ trong quân đội Bạch vệ có gia đình sống trong vùng do chính quyền Xô Viết kiểm soát. Lực lượng Bạch Vệ tuyên truyền thiếu hiệu quả, chính bản thân các tướng lĩnh Bạch Vệ cũng là quý tộc, có nhiều đặc quyền đặc lợi nên họ không thể đưa ra được những hứa hẹn cải cách ruộng đất (chia đất cho nông dân) như những người Bolsevik, nên quân lính Bạch Vệ dần nản lòng, họ đào ngũ hoặc chạy sang phía Hồng quân.

Thêm vào đó việc quân đội nước ngoài tấn công vào lãnh thổ Nga để giúp Bạch Vệ khiến cho những người Nga tức giận. Không một dân tộc nào trên thế giới cảm thấy sung sướng khi thấy quân đội nước ngoài xuất hiện trên lãnh thổ của mình. Lòng tự hào dân tộc của người Nga khiến cho họ nhìn thấy các đơn vị Bạch Vệ như những kẻ phản quốc.

Các quân đội nước ngoài như Anh, Mỹ, Đức... thì đã tham gia nhiều cuộc chiến, tâm lý chung của binh lính là không muốn chiến đấu. Hơn nữa các điều kiện nội tại của các nước cũng không thể khiến chính phủ cho quân đội đặt chân lâu trên nước Nga. Các đội quân nước ngoài cuối cùng cũng phải rút đi, họ chỉ gửi các nguồn viện trợ cho quân Bạch Vệ. Cả vấn đề này cũng bị chỉ trích nên khi quân Bạch Vệ suy yếu, các nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm ngay.

Các biện pháp đối phó của Đảng Bolshevik

Trước tình hình khẩn cấp, Đảng Bolshevik buộc phải đáp trả bằng những biện pháp cứng rắn và quyết liệt.

Lenin diễn thuyết trong sự ủng hộ của binh sĩ Hồng quân.

Trước hết là phải thanh trừng các lực lượng chống phá trong hậu phương. Chiến dịch "khủng bố đỏ" được thi hành, tấn công quyết liệt vào các phần tử "có quan hệ với các tổ chức bạch vệ, các âm mưu và bạo loạn". Khủng bố đỏ rất khốc liệt, nhưng cũng rất hiệu quả trong việc ổn định tình hình an ninh tại hậu phương.

Tháng 9-1918, nước Cộng hòa Xô Viết tuyên bố là một mặt trận quân sự thống nhất. Tháng 11-1918, Hội đồng quốc phòng công nông được thành lập. Về sau, tháng 6-1919, các nước Xô Viết Nga, Ukraine, Belarus, Lithuana, Latvia, Estonia ký kết liên minh quân sự, thành lập bộ chỉ huy thống nhất.

Muốn chiến đấu thì phải có quân đội. Lenin yêu cầu cần phải có một lực lượng 3 triệu quân. Đồng thời, Hồng quân đặc biệt xem trọng chất lượng chính trị, kỉ luật nghiêm minh. Chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện. Và những người Bolshevik có một ưu thế: họ kiểm soát được những vùng đông dân nhất nước. Vì thế, quân số tăng nhanh chóng: từ 50 vạn (trước mùa hè 1918), đến tháng 9-1919 đã là 3,5 triệu, "vượt chỉ tiêu". Cuối năm 1920 còn đông hơn: 5,3 triệu.

Chính sách kinh tế cũng thay đổi. Năm 1919, Đảng Bolshevik thực thi chính sách cộng sản thời chiến: Nhà nước độc quyền mua bán lương thực, trưng thu lương thực thừa, cấm đầu cơ tích trữ, trực tiếp nắm toàn bộ công nghiệp, thực hiện chế độ lao động bắt buộc toàn dân, thi hành trả lương bằng hiện vật, áp dụng chế độ ăn uống miễn phí với trẻ em, công nhân công nghiệp, đường sắt, giao thông nhằm mục đích điều phối và tận dụng hiệu quả nhất các nguồn lực quốc gia cho cuộc chiến.

Các chính sách của những người Bolshevik tuy nhiều lúc khắc nghiệt, nhưng rất hiệu quả trong tình hình chiến cuộc căng thẳng lúc đó. Nửa sau năm 1918, quân đoàn Tiệp Khắc bị đánh tan và dạt sang bên kia dãy Ural. Quân đoàn Bạch vệ Sông Đông của Craxnok bị tiêu diệt. Các lực lượng nổi loạn và gián điệp ở hậu phương đã bị "khủng bố đỏ" trấn áp.

Nước Cộng hòa Xô Viết đã sẵn sàng cho những trận đánh lớn vào năm 1919.

Tình hình chiến sự năm 1919-bước ngoặt của cuộc nội chiến

Khoảng tháng 3-1919, diễn ra đại hội VII đảng Bolshevik, thông qua cương lĩnh mới của Lenin, và đổi tên từ Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thành Đảng Cộng sản Liên Xô.

Đại hội kết thúc trong lúc tình hình chiến sự diễn biến phức tạp hơn.

Thế chiến I chấm dứt là cơ hợi thuận lợi cho các nước đế quốc can thiệp sâu rộng. Tới tháng 2-1919, có 13 vạn quân ở Nam Nga, ở Viễn Động là 15 vạn, ở phía Bắc là 20 vạn, tổng cộng lên đến 30 vạn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, họ chỉ chủ yếu ủng hộ qua việc viện trợ, còn các đội quân Bạch vệ vẫn là lực lượng chủ yếu chống lại phe Bolshevik.

Mùa xuân năm 1919, các lực lượng Bạch vệ bắt đầu tấn công:

  • Tại phía Đông, đô đốc Kolchak và quân đoàn Tiệp Khắc chiếm đóng Sibir, Ural nhằm hướng tới sông Volga, uy hiếp Samara, Cadan.
  • Ở phía Nam, tướng Denikin chiếm Kiev, Kharkov và có lúc uy hiếp cả Tula, Moskva.
  • Tướng Miler cùng quân đội Mĩ, Anh, Pháp tấn công ở phía Bắc, còn phía Tây Bắc là quân của tướng Yudenit.
  • Ở phía Tây, quân đội Ba Lan đã xâm lược Ukraina, Belarus.

Một lần nữa, chính quyền Bolshevik lại lâm vào tình hình nguy hiểm: gần như toàn bộ các lực lượng Bạch vệ đã dốc toàn lực tổng tấn công, bao vây từ nhiều hướng. Họ có quân số không phải là ít ỏi, lại được sự ủng hộ của các nước đế quốc. Trong khi Hồng quân Xô Viết chỉ có một mình. Những người Bolshevik đang trải qua một thời kì nặng nề nhất trong cuộc nội chiến. Nếu họ không vượt qua, họ sẽ mất hết.

Không thể nào cùng lúc đối chọi tất cả các đội quân Bạch vệ, Hồng quân đã lợi dụng sự rời rạc và mâu thuẫn giữa các phe phái của phía Bạch vệ, lần lượt tiêu diệt từng thế lực một. Trước hết, là "tất cả để chiến đấu với Kolchak". Mọi lực lượng đều dồn cho việc đánh bại đội quân Kolchak. Tháng 7-1919, Hồng quân đã đánh chiếm Ural, đẩy lùi Kolchak đến tận Sibir. Cuối năm, quân Kolchak hoàn toàn thất bại. Bản thân ông bị bắt và bị xử tử ở Irkutsk.

Đồng thời, cuộc tấn công của Yudenit vào Petrograd cũng thất bại hoàn toàn.

Trước những thất bại của Kolchak và Yudenit, từ nửa sau năm 1919 các nước đế quốc đã chuyển trọng tâm xuống phía Nam với lực lượng chủ yếu của Denikin. Đội quân của Denikin chiếm đóng toàn bộ miền Nam nước Nga với nhiều vùng nhiên liệu chủ yếu và vùng lúa mì quan trọng. Họ cũng được sự viện trợ mạnh của nước ngoài về vũ khí, phương tiện chiến tranh (kể cả xe tăng, máy bay) và cả sĩ quan chỉ huy. Người Anh phái tới gần 2000 sĩ quan và vũ khí của Mĩ có thể trang bị cho đội quân 10 vạn người. Rõ ràng đây là một đối thủ đáng nể của những người Bolshevik.

Bây giờ là khẩu hiệu "tất cả để chiến đấu với Denikin". Chiến cuộc diễn ra hết sức cam go và quyết liệt. Chính quyền Bolshevik buộc phải thi hành nhiều biện pháp khẩn cấp, huy động toàn bộ mọi nguồn tài lực và vật lực cho cuộc chiến. 8 vạn đảng viên và đoàn viên đã được điều động ra mặt trận. Cuối cùng, Hồng quân cũng giành được những thắng lợi quyết định ở Orel và Voronezth (10-1919). Lực lượng Denikin phải rút xuống Krym. Đầu năm sau, Hồng quân đã kiểm soát được Ukraine và Bắc Kavkaz.

Các đội quân nước ngoài cũng bị đẩy lùi ở khắp các mặt trận và phải rút quân dần dần ngay từ năm 1919.

Năm 1919 được đánh giá là một bước ngoặt lớn của cuộc nội chiến. Với việc các lực lượng căn bản của quân Bạch vệ bị đánh tan và Hồng quân giành lại được những vùng đất quan trọng, phe Bolshevik từ tình thế hiểm nghèo đã tiến lên giành lấy ưu thế của cuộc chiến. Các nước đế quốc cũng không thể can thiệp sâu hơn nữa, đành phải rút dần quân và cắt giảm viện trợ. Phe Bạch vệ chưa bị đánh bại hoàn toàn nhưng đã không còn đủ khả năng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Những sự kiện năm 1920 và 1921 chỉ là sự bùng lên của một ngọn nến sắp tắt.

Tình hình chiến sự năm 1920-lực lượng Bạch vệ bị đánh bại hoàn toàn

Tình hình chiến sự đầu năm 1920 đã dần dần lắng dịu trở lại. Những người Bolshevik đã tranh thủ thời gian này để khôi phục lại đất nước bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh, đồng thời cũng tăng cường việc tiến đánh các lực lượng còn lại của Bạch vệ. Đại hội Đảng lần IX ngày 29-3-1920 đã đề ra kế hoạch khôi phục nền kinh tế quốc dân. Cùng lúc, Hội đồng ủy viên nhân dân quyết định thành lập Ủy ban nhà nước điện khí hóa nước Nga (GOELRO) với kế hoạch điện khí hóa cả nước. Tình hình kinh tế đã có một số biến chuyển theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, những người Bạch vệ vẫn chưa nguôi hy vọng. Họ vẫn tìm mọi cách giành lại vị thế đã mất. Trong tình hình đó - được sự giúp đỡ của Anh, Pháp, Mĩ - quân đội Ba Lan đã tấn công vào Ukraine (25-4-1920) với mục đích đòi lại những vùng đất từng bị Đế quốc Nga lấy mất. Ngày 6-5, Kiev thất thủ. Chớp thời cơ, lực lượng Bạch vệ còn lại của Wranghel, Petluara và Yudenit nổi dậy hỗ trợ. Thậm chí Vranghel đã đề ra kế hoạch tấn công vào Moskva.

Một lần nữa, chiến cuộc lại bùng nổ. Sau một thời gian bị động, ngày 14-5-1920 Hồng quân bắt đầu phản công. Đến tháng 7, các cuộc phản công thu được kết quả khả quan. Quân Ba Lan bị đẩy lui và sau đó bị đánh bật khỏi Ukraine. Nhân cơ hội, Hồng quân tràn vào Ba Lan, mưu toan biến Ba Lan thành bàn đạp cho việc mở rộng cách mạng xã hội chủ nghĩa sang châu Âu và phối hợp với phong trào cách mạng Đức. Nhưng họ đã thất bại nặng nề ở gần Warszawa. Cuối cùng, ngày 12-10-1920, hiệp định đình chiến được ký kết, sau đó là hòa ước 18-3-1921.

Sau khi ký hòa ước với Ba Lan, Hồng quân chĩa mũi dùi vào 6 vạn quân Bạch vệ Wranghel. Giữa tháng 11-1920, Hồng quân chiếm Krym. Vranghel buộc phải lưu vong sang nước ngoài.

Cùng năm, ở Trung Á, các lực lượng Bạch vệ cũng bị đánh bại. Năm 1920 nội chiến kết thúc, thắng lợi thuộc về Chính quyền Xô viết.